SỐNG ĐỨC KHIẾT TỊNH TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

Có lẽ là điều ngớ ngẩn và không cần thiết khi đề cập đến việc sống Đức Khiết Tịnh trong đời sống hôn nhân, vì như thế chẳng khác nào “cấm một người đang đói không được ăn”! Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót lớn đối với những ai có trách nhiệm nếu không muốn, và nhất là không dám nói đến vấn đề đó cho các cặp vợ chồng!

Trong bối cảnh Giáo hội sống năm “Phúc Âm Hóa Đời Sống Gia Đình”, thiết nghĩ, đây là dịp thuận tiện để đề cập đến việc sống Đức Khiết Tịnh trong đời sống hôn nhân. Nếu vợ chồng sống hay giữ được Đức Khiết Tịnh trong đời sống hôn nhân của họ, chắc chắn họ sẽ tạo được hạnh phúc cho nhau và cho gia đình họ; bởi lẽ đa phần sự tan vỡ trong hôn nhân đều phát xuất từ việc vợ chồng không sống và giữ trọn vẹn Đức Khiết Tịnh trong quan hệ vợ chồng của họ.

Vậy, sống Đức Khiết Tịnh trong hôn nhân nghĩa là gì?

Nói đến việc sống Đức Khiết Tịnh trong đời sống hôn nhân tưởng như mới lạ, nhưng thực ra đó chính là việc vợ chồng sống đúng những mục đích và những đặc tính của hôn nhân Kitô giáo đề ra.

1. Những mục đích của hôn nhân Kitô Giáo

Trong sách Sáng Thế Ký có hai đoạn văn nói về việc Thiên Chúa tạo dựng loài người, và qua đó nói rõ mục đích khi Ngài tạo dựng họ có nam có nữ.

– Đoạn Kinh Thánh thứ nhất: “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.’ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, … Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. …, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.’ …” (St 1, 26-30)
Qua đoạn Kinh Thánh thứ nhất này, ta thấy rõ được một trong những mục đích của hôn nhân là sinh sản con cái, và lẽ dĩ nhiên sinh sản con cái luôn kèm theo việc nuôi dưỡng và giáo dục chúng nên những con người tốt.

– Đoạn Kinh Thánh thứ hai: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó’.… ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: ‘Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.’ Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2, 18-24)

Đoạn Kinh Thánh thứ hai này cho chúng ta thấy mục đích khác nữa của hôn nhân Kitô giáo là vợ chồng yêu thương nhau.

Như vậy, mục đích chính của hôn nhân Kitô giáo là: vợ chồng yêu thương nhau (x. St 2, 24) và sinh sản đầy mặt đất (x. St 1, 28).

a. Vợ chồng yêu thương nhau

Hai người nam nữ đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy và sống với nhau là để giúp nhau phát triển tình yêu ấy. Câu Kinh Thánh “Adam không tìm được sự trợ giúp tương hợp” diễn tả “cái thiếu, cái cần” của Adam. Dù Adam có tất cả vạn vật chung quanh, ông vẫn cảm thấy thiếu, thấy trống vắng. Phải có “cái gì” để lấp đầy sự trống vắng đó. “Cái để lấp đầy”, chính Thiên Chúa đã ban cho Adam, đó là Eva. Khi Eva được đưa tới, Adam thốt lên sung sướng: “Này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… từ nay, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ và cả hai sẽ nên một xương một thịt” (St 2, 23). Lời nói ấy biểu lộ sự hài lòng của Adam vì ông đã tìm được sự “trợ giúp tương hợp”, đã cảm thấy đầy đủ và muốn gắn bó và yêu thương Eva suốt đời.

Như thế hai người nam nữ đến với nhau là để lấp đầy cho nhau, để bù đắp cái “thiếu” của nhau, để tương trợ nhau trong tình yêu.

b. Sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái

Tương trợ nhau trong tình yêu và trong cuộc sống còn là để phục vụ sự sống mới. Như tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh không ngừng phát sinh hoa trái là các Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội và ân sủng các Bí tích khác, thì vợ chồng yêu thương kết hợp với nhau trong đời sống Hôn nhân cũng sẽ nhằm tới việc truyền sinh, nghĩa là sinh con cái, và giáo dục chúng nên người tốt và nên con Chúa. Đây là ơn gọi rất cao quí của cha mẹ Công giáo. Chính vì lý do đó, Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Mục Vụ, dạy:

“Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của Hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: ‘Đàn ông ở một mình không tốt’ (St 2, 18). Người là Đấng: ‘… từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ’ (Mt 19, 4); chính Thiên Chúa muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công cuộc tạo dựng của Người. Người đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói: ‘Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản’ (St 1, 28).” (MV 50)
Về vấn đề sinh sản con cái, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã giải thích: “Ngày nay loài người đã đầy mặt đất, cần phải tính đến việc nuôi sống và giáo dục những mầm non của loài người. Đàng khác, mệnh lệnh sinh sản cho đầy mặt đất gắn liền với mệnh lệnh làm chủ mặt đất. Muốn thế thì đứa con sinh ra phải được nuôi nấng và giáo dục cho nên người. Điều này đưa chúng ta vào những vấn đề cấp bách và nghiêm trọng hiện nay là vấn đề sinh sản có trách nhiệm và vấn đề giáo dục con cái” (Thư Mục vụ HĐGMVN tháng 10/1992 – số 11).

2. Những đặc tính của hôn nhân Kitô Giáo

a. Đơn hôn

Đơn hôn là hôn nhân giữa chỉ một người nam và một người nữ. Hôn nhân Công giáo là duy nhất, trung tín, không chia sẻ. Người nam không thể là chồng của người nữ nào ngoài vợ mình; và người nữ cũng không thể là vợ của người nam nào ngoài chồng mình. Dùng kiểu nói xưa, thì gọi là “Nhất phu nhất phụ”. Đặc tính Đơn hôn loại trừ mọi hình thức đa thê, đa phu và hôn nhân của những người đồng tính luyến ái.

b. Bất khả phân ly

Bất khả phân ly tức là vĩnh viễn, nghĩa là hôn nhân ràng buộc hai người cho đến chết. Khi người nam và người nữ đã kết hôn thành sự và hợp pháp, họ phải chung thủy với nhau trọn đời (x. MV số 20). Không ai có thể tháo dây hôn phối đó, dù hai vợ chồng đồng tình, dù quyền lực tôn giáo hay dân sự.
Trên đây là trình bày cách khái quát về những mục đích và những đặc tính của hôn nhân Kitô giáo. Vậy tại sao khi sống các mục đích và đặc tính của hôn nhân lại là sống Đức Khiết Tịnh?
3. Sống các mục đích và đặc tính của hôn nhân là sống Đức Khiết Tịnh
Khi nói đến Đức Khiết Tịnh, ta liên tưởng ngay đến vấn đề tính dục, mà chúng ta thấy trong hai mục đích và hai đặc tính của hôn nhân đều liên quan đến vấn đề tính dục. Vợ chồng yêu thương nhau thì trong tình yêu có tình dục; rồi việc vợ chồng yêu thương nhau không chỉ là để thỏa mãn bản thân mình mà còn nhắm đến vấn đề truyền sinh. Đây là sứ vụ và là trách nhiệm của vợ chồng. Hơn nữa, khi nói đến tính chất đơn hôn và bất khả phân ly trong hôn nhân thì cũng có nghĩa là nói đến sự tiết chế trong quan hệ vợ chồng. Người ta muốn đa thê đa thiếp là vì muốn thỏa mãn bản năng tính duc của mình; muốn lăng nhăng ngoại tình, không muốn chung thủy với người phối ngẫu suốt đời cũng chỉ vì muốn đi tìm những cảm giác mới nhằm thỏa mãn ham muốn tính dục qua những cuộc mây mưa ngoài hôn nhân.

Tình yêu và tình dục là hai yếu tố luôn có và cần thiết để hai vợ chồng có thể chung thủy, một lòng một dạ yêu nhau suốt đời, và sinh sản con cái; tuy nhiên, trong hai yếu tố đó thì tình yêu là quan trọng hơn. Nếu vợ chồng coi tình dục là yếu tố quan trọng hơn tình yêu, thì đời sống hôn nhân của họ sẽ mau chóng bị sụp đổ, vì họ không thể nào thỏa mãn và làm cho người phối ngẫu thỏa mãn bản năng tính dục. Thực vậy, sự thỏa mãn tính dục không phải là thỏa mãn tình yêu, và không thể bù đắp cho tình yêu. Nhưng nếu vợ chồng thực sự yêu nhau thì chính tình yêu đó sẽ bù đắp cái gọi là “thiếu” cho nhau, và làm cho nhau được hạnh phúc, và khi đó tính dục có hay không không còn là điều quan trọng. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục giữa hai vợ chồng còn phải nhắm đến vấn đề truyền sinh, nghĩa là sinh sản con cái có trách nhiện, nên vợ chồng càng phải quan tâm hơn nữa đến việc tiết dục trong hôn nhân. Đây là điều khó thực hiện đối với các vợ chồng. Khó nhưng vẫn có thể giữ được một khi vợ chồng yêu nhau bằng một tình yêu trọn hảo, tình yêu “Agape”: tình yêu của Thiên Chúa yêu con người.

Quả vậy, tình yêu mà hai người nam nữ dành cho nhau thường chỉ dừng lại ở thứ tình yêu Eros (ái tình). Đây là thứ tình yêu chiếm hữu, thuộc về cảm xúc, không được điều khiển bằng lý trí và ý chí. Cho nên khi yêu ai, ta muốn chiếm hữu người đó cho riêng mình, theo cảm xúc của mình; và nhất là chỉ nhắm tìm thỏa mãn ham muốn tính dục khi yêu nhau. Vậy, để có thể sống được Đức Khiết Tịnh trong đời sống hôn nhân, nghĩa là sống trọn vẹn các mục đích và đặc tính của hôn nhân, vợ chồng cần phải vượt lên tình yêu Eros để vươn tới một sự trọn hảo của tình yêu: tình yêu Agape.
Khi vươn tới sự trọn hảo của tình yêu (tình yêu Agape), vợ chồng không chỉ có nhu cầu yêu và được yêu, mà còn có nhu cầu chia sẻ tình yêu với người mình yêu. Tình yêu Agape là thứ tình yêu luôn tìm đáp ứng nhu cầu hạnh phúc của người khác hơn là đáp ứng nhu cầu của chính mình; là sống cho nhu cầu hạnh phúc của người mình yêu chứ không chiếm hữu người yêu cho riêng mình. Khi sống tình yêu Agape, vợ chồng luôn biết đồng cảm cảm với nhau: hạnh phúc của người mình yêu là của mình; và nỗi đau của người mình yêu cũng là của mình. Vợ chồng yêu nhau bằng tình yêu Agape thì sẽ không tìm thỏa mãn bản năng tính dục, mà luôn biết sống cho và vì hạnh phúc của nhau, hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh sản có trách nhiệm hầu nuôi dạy con cái thành người tốt, để rồi qua đó, làm chứng cho con người ngày nay về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ.

Nhìn lên thập giá Đức Kitô, chúng ta thấy được tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa dành cho con người, một tình yêu không chỉ là Eros nhưng còn là Agape (ĐGH Bênêđictô XVI). Thiên Chúa yêu con người như một người nam yêu một người nữ, nhưng không chỉ muốn chiếm hữu con người, mà là trao ban chính mình cho con người, vì hạnh phúc của con người. Tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội thực sự là mẫu gương cho các vợ chồng noi theo để sống Đức Khiết Tịnh trong đời sống vợ chồng.

“Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.” (Mt 19, 12) Như vậy thì cũng có thể nói, có những người đã kết hôn, nhưng vì Nước Trời, họ sẵn sàng sống Đức Khiết Tịnh trong đời sống hôn nhân, qua việc sống đúng, sống trọn vẹn các mục đích và các đặc tính của hôn nhân Kitô giáo, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa yêu thương con người, và làm chứng cho Nước Trời mai sau.

Hương Quê

Bình luận về bài viết này