Hành Động Của Lòng Thương Xót

SÁM HỐI

Để khởi đầu cho mỗi Thánh Lễ và để có thể xứng đáng dâng Thánh Lễ, vị chủ tế luôn mời gọi cộng đoàn sám hối, và ngay sau đó là kinh Thương Xót. Điều này nhắc nhở ta rằng, đối với người Kitô hữu và là những người con Chúa, với ý thức thân phận yếu đuối của mình, để được Thiên Chúa thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm, cần phải sám hối mỗi ngày. Như vậy, sám hối là một việc làm rất quan trọng và cần thiết trong đời sống của người con Chúa. Sám hối những lỗi tội, sửa sai những lỗi lầm để sống tốt hơn hầu được Chúa xót thương và tha thứ; và sống tốt hơn hầu giúp người sống tốt, để họ cũng đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là hành động của lòng thương xót mà mỗi người con Chúa phải sống mỗi ngày. Tuy nhiên, để có thể sống sám hối như “Hành Động Của Lòng Thương Xót” thì ta cần phải có lòng khiêm tốn, như linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên đã viết trong bài thánh ca “Chân Thành Sám Hối”: “Sám hối là điều không dễ dàng khi lòng chưa khiêm tốn”.

– Sám hối để được thương xót

Để có thể sám hối hầu được Thiên Chúa thương xót và tha thứ, điều cần thiết nhất là ta phải có lòng khiêm nhường. Với lòng khiêm nhường, ta ý thức mình yếu đuối, bất toàn và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Thực vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ta luôn có, và Ngài luôn sẵn sàng ban phát lòng thương xót đó cách hào phóng, vấn đề là ta có khiêm tốn nhìn nhận mình yếu đuối để đón nhận hay không?
Khiêm tốn, đó là một hành động phát xuất từ ý thức nhìn nhận mình bất toàn, cần đến sự đỡ nâng của người khác, cụ thể là cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài. Trong Kinh Thánh, có rất nhiều hình ảnh cho ta thấy sự cần thiết của lòng khiêm tốn để có thể sám hối hầu đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Tất cả nhửng con người đó đều thấy mình đang bất lực trước những đau khổ mình đang phải đối diện, nên đã kêu cầu đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Những người bị mắc bệnh phong hủi, bại liệt; người đàn bà bị mắc bệnh băng huyết, rồi ông trưởng hội đường Giai-ia đến xin chữa bệnh cho con gái ông (x. Lc 8, 40-56), tất cả đều ý thức rằng mình bất lực trước những đau khổ mà bản thân và những người thân đang phải gánh chụi, nên đã kêu cầu đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trên đây mới chỉ là khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn trước những đau khổ nơi thân xác. Điều quan trọng hơn là khiêm tốn nhìn nhận mình bất lực trước những đau khổ, giày vò trong tâm hồn, do những tội lỗi của mình gây ra để sám hối, hầu được Chúa thứ tha. Có hai hình ảnh cụ thể nhất là người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7, 36-50) và người con Thứ trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (x. Lc 15, 11-32). Hai người này tội rất nhiều, tâm hồn luôn bị giày vò bởi tội mình gây ra, và họ đã khiêm tốn nhìn nhận sai lỗi của mình, sám hối trở về với Chúa, với Cha và họ đã được tha.

Là những người con Chúa, nhưng chắc chắn chúng ta cũng không thể tránh khỏi những đau khổ hằng ngày; chúng ta không thể tránh được những lỗi lầm, thiếu sót và lỗi tội trong đời sống hằng ngày, nên chúng ta cần phải khiêm tốn nhìn nhận mình bất lực, bất toàn để chúng ta biết bám víu vào ơn Chúa, và kêu cầu lòng thương xót của Ngài. Thiên Chúa luôn sẵn sàng an ủi, nâng đỡ chúng ta khi chúng ta gặp những thử thách, chúng ta có biết kêu lên với Ngài: “Lạy Chúa xin thương xót con”? Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta những lỗi phạm, chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận mình yếu đuối tội lỗi, chạy đến với Chúa, quỳ dưới chân Ngài mà than khác cho tội lỗi của mình như người đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng Lc 7, 36-50; chúng ta có biết chạy về và nói với Ngài như người con Hoang Đàng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha”?

– Sám hối, hành động của lòng thương xót

Sám hối để được thương xót cũng chính là hành động của lòng thương xót. Nếu chỉ sám hối để được Chúa thương xót và được người khác xót thương thì mới chỉ là mặt tiêu cực, chưa phải là hành động của lòng thương xót. Thực vậy, sống Năm Thánh Lòng Thương Xót, ta phải hướng đến mặt tích cực, nghĩa là phải sống lòng thương xót đối với những người khác. Ta cần phải sám hối để được thương xót, nhưng ta cũng phải thương xót người khác. Hiểu như vậy thì việc ta sám hối những lỗi tội của mình hầu trở nên tốt không giới hạn cho bản thân mình, nhưng còn là cho người khác nữa.

Quả thế, khi ta biết sám hối, nhìn nhận những sai lỗi của mình, sửa đổi để trở nên một người tốt là ta tránh làm phiền cho người khác, như vậy là ta đang thương xót họ. Chỉ vì tính ngang tàng của người con thứ trong dụ ngôn Người Cha nhân Hậu mà người cha phải đau khổ, mòn mỏi đợi chờ nó trở về. Vậy, khi nó biết sám hối trở về với cha và sống tốt là nó thương xót cha nó. Nó sống tốt, không làm cho cha phải lo lắng buồn phiền, nó không chỉ đón nhận được lòng thương xót của cha, mà nó còn thương xót chính bản thân nó và thương xót cha nó. Khi ta sống tốt để đừng làm phiền người khác là ta đang thương xót họ.

Hơn nữa, khi ta biết sám hối những sai lỗi hầu trở nên người tốt thì ta sẽ trở nên gương tốt cho những người xung quanh chúng ta. Sống như vậy là ta đang giúp người khác sống tốt. Đó chính là hành động rất cụ thể về lòng thương xót mà ta dành cho họ. Ví dụ, trong gia đình, khi cha mẹ biết sám hối những sai lỗi của mình, trở nên mẫu mực tốt lành cho con cái, giúp chúng trở nên những con người tốt là cha mẹ đang thương xót chính những đứa con của mình. Cũng vậy, nơi giáo xứ, các mục tử cần phải biết sám hối, sửa đỗi những sai lỗi hầu trở nên gương sáng cho đoàn chiên; ngoài xã hội, những nguời có trách nhiệm trước người khác như: các nhà lãnh đạo, thầy cô giáo, và mỗi người cần phải biết nhìn nhận những sai lỗi của mình, sửa đổi hầu trở nên những con người tốt, nhờ vậy mà sẽ giúp người khác sống tốt. Đó chính là hành động của lòng thương xót.

Tóm lại, mỗi người đều có những thiếu sót, lỗi lầm trong nhân cách sống của mình. Những lỗi lầm và thiếu sót đó làm cho chính chúng ta không đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, của người khác, và chính chúng ta cũng không thể thương xót người khác. Vậy, điều căn bản là mỗi người, tùy theo ơn gọi, chức vị và bổn phận, cần phải biết sam hối, sửa đổi những sai lỗi, sống trở nên một người tốt, để có thể đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, của người khác, và nhất là để thể hiện được lòng thương xót của chúng ta đối với những người sống chung quanh mình. Chúa đang cần chúng ta biết khiêm tốn sám hối để được Chúa thương xót; và Ngài cũng cần chúng ta khiêm nhường sám hối hầu trở thành khí cụ về lòng thương xót cho những người sống chung quanh chúng ta.

Hương Quê

Bình luận về bài viết này