TRỌNG TÂM CỦA SỨ ĐIỆP TIN MỪNG TRONG VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA

Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Các Giáo Xứ
Và Các Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến

Trong một bài trả lời phỏng vấn với cha Antonio Spadro trên tạp chí America, Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến của quân đội dành cho những binh lính bị thương. Khi sơ cứu cho những người bị thương trên chiến trường, điều quan trọng trước tiên không phải là việc xét nghiệm cholesterol và lượng đường trong máu của người bị thương, mà là chữa trị những vết thương, rồi sau đó mới tính đến những việc kia.

Cũng vậy, ngày nay, có nhiều người chưa biết đến Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, hoặc biết nhưng họ không còn sống Tin Mừng đó, và kết quả là họ phải gánh chịu những vết thương nghiêm trọng trong tâm hồn. Họ không biết rằng Chúa Giêsu yêu họ, đã cứu họ, có một kế hoạch cho cuộc đời của họ, và muốn ban tặng cho họ lòng thương xót của Ngài. Thế vậy, điều cấp bách trong việc Tân Phúc Âm Hóa, nhất là Tân Phúc Âm Hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ, không phải là rao giảng những luật lệ của Chúa và của Giáo Hội, nhưng phải là rao giảng điều mà những con người đó cần để được nghe. Đó là rao giảng Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Giêsu. Đây chính là trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng trong việc Tân Phúc Âm Hóa.

Quả thế, trong việc Tân Phúc Âm Hóa, điều cấp bách lúc này là, theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo Hội không chỉ “mở cửa ra” với người khác mà còn phải “đi ra” để đến với họ: đến với những Kitô hữu nguội lạnh, đến với những người Công Giáo không còn đến nhà thờ, và đến với những người chưa nhận biết Tin Mừng. Đến với họ để nói cho họ biết rằng, Chúa Giêsu yêu họ, Ngài có kế hoạch riêng cho cuộc đời họ, Ngài muốn cứu họ khỏi ách thống trị của tội, và muốn cho tặng cho họ lòng thương xót của Ngài.

Trong một Giáo Hội thu nhỏ là cộng đoàn Giáo Xứ, chúng ta thường quan tâm và đặt nặng vấn đề luật lệ. Ta thường quan tâm xem người này có giữ luật không, xét nét xem người kia có đi lễ ngày Chúa Nhật không, kiểm tra xem người nọ có đi học giáo lý không, …, và nếu không thì chê bai chỉ trích, và nếu là người có quyền, thì cấm các Bí Tích người đó. Những quan tâm như thế không phải là sự quan tâm của việc Tân Phúc Âm Hóa. Sự quan tâm của việc Tân Phúc Âm Hóa chính là đến với những con người đó để có thể thấy và thấu hiểu được hoàn cảnh sống của họ, hầu nói cho họ về tình yêu cứu độ mà Chúa Giêsu đang muốn ban tặng cho họ.

Sở dĩ có những người đã nhận biết Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô nhưng đời sống đạo của họ vẫn khô khan nguội lạnh là vì họ không cảm nhận được Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho họ trong Đức Kitô. Và còn có nhiều người chưa nhận biết Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, hay không nhận ra, hoặc không muốn đón nhận là vì họ không được ai nói cho biết và làm chứng cho họ về Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa. Đây là điều mà mọi thành phần trong cộng đoàn Giáo Xứ, nhất là các vị mục tử cần phải suy nghĩ. Nhiều khi chúng ta chỉ quan tâm đến những vấn đề thứ yếu, những điều phụ thuộc và cho đó là chính yếu, để rồi đặt vấn đề chính yếu là rao giảng và làm chứng về Tình Yêu Cứu Độ của Chúa xuống hàng thứ yếu.

Thực vậy, chính trong trình tự sắp xếp của sách Giáo Lý Hội Thánh Công cho ta thấy đâu là vấn đề ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng. Ưu tiên số một là Kinh Tin Kính, bản tóm lược về câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta: Ngài tạo dựng chúng ta vì tình yêu, đã sai Con Một Ngài xuống thế để chết thay cho chúng ta cũng vì tình yêu, và Ngài đã trao ban Thánh Thần của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta, để nhờ đó chúng ta có thể tham dự vào tình yêu thánh thiêng của Ngài. Ưu tiên thứ hai là tập trung vào việc chúng ta được lôi kéo vào câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa như thế nào, nhờ ân sủng được trao ban cho chúng ta qua các Bí Tích. Và rồi, chỉ sau khi nhận biết được câu chuyện về sự cứu độ của Chúa Kitô, và chỉ sau khi học biết chúng ta được đầy tràn sự sống của Chúa Kitô, qua công việc của Chúa Thánh Thần, trong phụng vụ, thì chúng ta mới tập trung vào vấn đề ưu tiên thứ ba, đó là đời sống luân lý. Ở đây, luân lý Kitô Giáo được giới thiệu như là một sự đáp trả của chúng ta trước tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và đời sống của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Thực vậy, sách Giáo Lý rao giảng những giáo huấn về luân lý của Giáo Hội như một đời sống “xứng với Tin Mừng”, mà chúng ta được làm cho trở nên có khả năng theo đuổi đời sống đó, nhờ ân sủng của Chúa Kitô, được nhận lãnh qua các Bí Tích và trong cầu nguyện.

Tuy nhiên, khi những giáo huấn về luân lý của Giáo Hội đi ra ngoài bối cảnh của kế hoạch cứu độ yêu thương của Thiên Chúa và đời sống của chúng ta trong Chúa Kitô, thì những giáo huấn đó trở thành những luật lệ độc đoán từ một kỷ nguyên cổ xưa được áp đặt trên con người ngày nay. Những người khô khan nguội lạnh và những người chưa nhận biết Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa chỉ có thể theo đuổi và sống những giáo huấn về luân lý của Giáo Hội khi họ có được ân sủng của các Bí Tích. Mà để có được ân sủng của các Bí tích, trước hết họ cần được rao giảng về Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa, cụ thể là Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Giêsu. Vì, chỉ khi thấu hiểu được Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Giêsu, họ mới có thể hiểu được nội dung của những giáo huấn về luân lý của Giáo Hội để rồi có thể tuân theo.

Hơn nữa, trên lý thuyết, chúng ta thường cho rằng, tất cả những người đã gia nhập vào đời sống của Giáo Hội là những người đã nghe và biết về Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa, trong Chúa Kitô. Nhưng trong thực tế, theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vẫn còn nhiều người trong số những người đã được rửa tội “nhưng không sống những đòi hỏi của phép Rửa, những người thiếu một mối quan hệ có ý nghĩa với Hội Thánh và không còn cảm nghiệm niềm an ủi phát sinh bởi đức tin” (EG 14). Chính vì thế mà ưu tiên một trong việc Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ luôn phải là việc rao truyền Đức Tin. Nghĩa là, tất cả những sứ điệp rao truyền của chúng ta cho những người chưa nhận biết Chúa cũng nhưng những người đã được rửa tội nhưng không sống những đòi hỏi của Bí Tích đó phải được tập trung vào những yếu tố nòng cốt của Đức Tin. Chúng ta phải giúp cho họ tin vào tất cả những chân lý mặc khải, làm cho họ thấm nhuần đượcTình yêu Cứu Độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô:

“Tất cả các chân lý mặc khải đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải tin tất cả với cùng một lòng tin, nhưng có một số quan trọng hơn số khác vì trực tiếp diễn tả tâm điểm của Tin Mừng. Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, EG 36).

Tình yêu cứu độ của Chúa Kitô phải là trọng tâm của việc rao truyền Đức Tin để có thể mời gọi con người nói “có” với Chúa Giêsu và phó dâng cuộc đời họ cho Ngài mãi mãi. Và, việc rao truyền đó không phải là một lần mà phải được thực hiện nhiều lần với sự kiên trì và hy vọng.

“Trên môi miệng người dạy giáo lý, lời rao giảng tiên khởi phải không ngừng vang to: ‘Đức Giêsu Kitô yêu bạn; Ngài hiến mạng sống mình để cứu bạn; và bây giờ Ngài đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, ban sức mạnh và giải thoát bạn'” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, EG, 164).

Có lẽ ta ngạc nhiên cho rằng tại sao, trong việc Tân Phúc Âm Hóa, việc rao truyền Tình Yêu cứu Độ của Chúa Kitô lại là ưu tiên một, rồi sau đó mới là những giáo huấn về luân lý hay những luật lệ?!

Ta thử tìm hiểu vấn đề này từ sách Tông Đồ Công Vụ và các thư của thánh Phaolô.

Trong sách Tông Đồ Công Vụ, cách mà thánh Phêrô và Phaolô rao giảng Đức Tin cho những người chưa được nghe Tin Mừng khác với cách thánh Phaolô giáo huấn những tín hữu trong các thư của ngài để thành lập các giáo đoàn. Việc rao giảng của thánh Phêrô và Phaolô trong sách Tông Đồ Công Vụ được tập trung vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mà đỉnh cao là tập trung vào Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại để cứu chúng ta khỏi tội. Ví dụ, đối với đám đông trong ngày Lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô rao truyền điểm cốt lỗi của sứ điệp Tin Mừng là: Chúa Kitô đã chịu đóng đinh vào thập giá và đã sống lại từ cõi chết và kêu gọi người ta sám hối, chịu phép rửa, và được tha thứ tội lỗi (x. Cv 2, 14-39). Ngài cũng rao giảng như vậy trước đám đông tại hành lang Salômôn (x. Cv 3, 11-26), trước các thủ lãnh và kỳ mục của Giêrusalem (x. Cv 4, 8-12), sau khi Thiên Thần đã giải thoát ngài khỏi tù ngục(Cv 5, 30-32), và khi ngài ủng hộ phép rửa của Dân ngoại (Cv 10, 34-43).

Thánh Phaolô cũng tập trung vào điểm cốt lõi đó của sứ điệp Tin Mừng trên những hành trình truyền giáo của ngài (x. Cv 13, 16-41; 17, 22-31). Không có sự kêu mời hoàn bị nào về những vấn đề luân lý cụ thể như sự không chung thủy trong hôn nhân, không quan tâm đến người nghèo, hay lối sống dâm ô – không phải bởi vì người ta không có lỗi trong những vấn đề luân lý này, nhưng bởi vì họ cần câu chuyện về sự cứu độ trước khi họ có thể thấu hiểu và khao khát để sống lời mời gọi luân lý trong Đức Kitô.
Tuy nhiên, các Tông Đồ cũng không sợ khi phải đề cập đến những vấn đề về luân lý nhạy cảm. Trong thư thứ nhất gởi cho giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã khiển trách những người ở đó vì không biết quan tâm chia sẻ với những người đói rách, sống kiêu căng, chè chén say sưa, dâm ô, ngoại tình, đĩ điếm, đồng tính và loạn luân. Nhưng ở đó, thánh Phaolô khiển trách những tín hữu trong cộng đoàn Kitô hữu – những người đã biết Chúa Kitô chịu đóng đinh và những người đã dâng hiến cuộc đời mình cho Ngài, nhưng lại không sống theo đường lối của Ngài.

Tóm lại, trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng trong việc Tân Phúc Âm Hóa, cụ thể là Tân Phúc Âm Hóa đời sống Giáo Xứ, phải được tập trung vào Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Giêsu. Ta cần phải củng cố cộng đoàn Giáo Xứ với những luật lệ, và cần phải có những hướng dẫn cụ thể cho mọi người, đặc biệt là những người khô khan nguội lạnh và những người chưa nhận biết Tin Mừng, về những giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề luân lý. Thế nhưng, tất cả những điều đó phải được quy hướng về việc rao truyền trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng: Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. “Vô tri thì bất mộ”. Một khi người ta chưa thấu hiểu được trong tâm của sứ điệp Tin Mừng thì họ khó mà tuân giữ và sống những giáo huấn của Giáo Hội. Chính vì vậy, mỗi thành phần trong cộng đoàn Giáo Xứ, đặc biệt những người có trách nhiệm, cần phải sống trọng tâm của Tin Mừng, để rồi giúp cho những người khác sống sứ điệp đó. Hãy sống yêu thương và tha thứ để có thể nói cho những người khô khan, nguội lạnh và những người chưa biết Chúa rằng: Chúa Giêsu yêu họ, đã cứu họ, có một kế hoạch cho cuộc đời của họ, và muốn ban tặng cho họ lòng thương xót của Ngài.

Hương Quê

Bình luận về bài viết này