KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG Chúa Nhật Ngày 07 Tháng 09 Năm 2014

Lúc 12 trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện tại của sổ phòng làm việc trong Dinh Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tìn hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là những lời của Đức Giáo Hoàng trong phần mở đầu Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, được trích từ Tin Mừng theo thánh Matthêu, chương 18, nói về chủ đề sửa lỗi anh em trong cộng đoàn các tín hữu. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng nếu người anh em lỗi phạm đến tôi, tôi phải dùng tình thương để đối xử với anh và, trước hết, nói chuyện với anh cách riêng tư, giải thích cho anh ta biết những gì anh nói và làm là không tốt. Và nếu người anh em không chịu nghe tôi thì sao? Chúa Giêsu đề nghị một sự can thiệp tiệm tiến: trước tiên, đến với người anh em đó cùng với hai hay ba người khác để cho anh ta ý thức nhiều hơn về sai lỗi mà anh ta đã gây ra. Nếu người anh em đó vẫn không chấp nhận lời khuyên bảo, tôi cần thông báo cho cộng đoàn biết. Và nếu anh ta không lắng nghe cộng đoàn, tôi cần phải cho anh ta cảm thấy sự rạn nứt và sự chia rẽ tự anh ta gây ra, qua việc đánh mất sự hiệp thông với anh chị em của chúng ta trong đức tin.

Những giai đoạn của lộ trình này cho thấy những cố gắng mà Thiên Chúa đòi hỏi cộng đoàn của Ngài phải đồng hành với những ai phạm lỗi, nhờ đó họ không bị lạc lối. Điều cần thiết nhất là tránh làm lớn chuyện và xì xèo bàn tán trong cộng đoàn: “Hãy đi và sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (c. 15). Một thái độ dịu dàng, khôn ngoan, khiêm nhường và quan tâm đối với những người phạm lỗi thì tránh được những lời nói có thể gây tổn thương và giết chết người anh em. Bởi vì, như anh chị em biết, ngay cả những lời nói cũng có thể giết người! Khi tôi có lời phê bình không công bằng, khi tôi có những lời nói “nguyền rủa” một người anh em, tôi đang giết chết danh dự của người anh em đó! Ngay cả những lời nói cũng có thể giết người! Chúng ta hãy nghiêm túc về điều này … Cùng lúc, sự cẩn trọng này có mục đích không làm nhục cách không cần thiết người phạm tội. Hai người nói chuyện, không ai để ý, và thế là xong. Điều này cũng luôn cần thiết cho cả việc khi cùng với hai hay ba người đi sửa lỗi người anh em, và cả khi trình báo với cộng đoàn. Mục đích là để giúp người anh em nhận ra điều anh đã làm, và với lỗi của mình, anh ta đã không chỉ chống lại một người, nhưng chống lại tất cả cộng đoàn. Tuy nhiên điều đó cũng giúp chúng ta thoát khỏi sự giận giữ hay oán hờn, đó những điều chỉ làm tổn thương: Sự cay đắng trong lòng, sự giận dữ và oán hờn, chỉ đưa chúng ta đến hành động lăng mạ và công kích. Nhưng thật là xấu hổ khi điều này phát ra từ miệng của một người Kitô hữu như là một lời lang mạ và công kích! Điều này không tốt! Anh chị em hiểu chứ? Không lăng mạ! Lăng mạ không phải là Kitô hữu!

Trong thực tế, trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân cần được tha thứ. Mọi người! Thực thế, Chúa Giêsu đã nói chúng ta đừng xét đoán. Việc sửa lỗi anh em là một vấn đề của tình yêu và sự hiệp thông, đó là điều phải được làm nổi bật trong cộng đoàn Kitô hữu, đó là một sự phục vụ lẫn nhau mà chúng ta có thể và phải làm cho nhau. Và điều đó chỉ có thể và có hiệu quả nếu mỗi người ý thức mình là tội nhân và cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Trong ý thức đó, khi tôi nhìn thấy lỗi lầm của người khác, thì cũng đồng thời nhắc nhớ tôi rằng, tôi cũng đã từng phạm tội và làm sai nhiều lần.

Vì lý do này, mỗi khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta được mời gọi nhìn nhận mình là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa, từ trong lời nói, việc làm, để biết thành tâm sám hối. Và chúng ta cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con. Con là kẻ tội lỗi! Con xin thú nhận tội lỗi của con, lạy Thiên Chúa toàn năng.” Chúng ta không nói: “Lạy Chúa, xin thương xót người bên cạnh con hay những người tội lỗi”. Không! “Xin thương xót con!” Tất cả chúng ta là những người tội lỗi và cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần tác động vào tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta nhận ra những sai lỗi của mình trong ánh sáng Lời của Chúa Giêsu. Và cũng chính Chúa Giêsu đó mời gọi tất cả chúng ta, những thánh nhân hay tội nhân, đến dự bàn tiệc của Ngài qua việc tập họp chúng ta trên những ngả đường chính, với những hoàn cảnh cuộc đời khác nhau (x. Mt 22, 9-10). Và trong những điều kiện chung với những ai tham dự vào việc cử hành Thánh Thể, có hai điều căn bản: Tất cả chúng ta là những tội nhân và Thiên Chúa ban cho mỗi người lòng thương xót của Ngài. Chúng ta phải luôn ghi nhớ điều này trước khi đi sửa lỗi người anh em.

Chúng ta cầu xin điều này qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, nhớ rằng ngày mai chúng ta sẽ cử hành lễ sinh nhật của Đức Mẹ.

Chuyển ngữ: Hoàng Quốc Việt

VAI TRÒ LÀM MẸ CỦA GIÁO HỘI

Buổi Tiếp Kiến Chung Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Ngày 3 Tháng 9 Năm 2014

Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã có thể chỉ ra rằng, anh chị em không tự mình trở thành Kitô hữu, không trở thành Kitô hữu bằng những nỗ lực của bản thân, nhưng trở thành Kitô hữu nhờ được sinh ra và được nuôi dưỡng trong đức tin, giữa cộng đoàn dân Chúa, đó là Giáo Hội. Trong ý nghĩa này, Giáo Hội là một người mẹ thực sự, Mẹ Giáo Hội của chúng ta – thật là đẹp khi nói như vậy phải không? – một người mẹ cho chúng ta sự sống trong Đức Kitô và trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, đưa chúng ta vào một đời sống hiệp thông với tất cả anh chị em của chúng ta.

1. Trong vai trò làm mẹ này, Giáo Hội có Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương, một mẫu gương cao nhất và tuyệt vời nhất. Những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã từng đề cao điều này, và Công Đồng Vatican II cũng đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ vai trò làm mẹ của Đức Mẹ (x. Lumen Gentium, 63-64). Vai trò làm mẹ của Đức Maria tất nhiên là độc nhất, phi thường và đã được hoàn tất trong thời gian viên mãn, khi Đức Tring Nữ sinh hạ Con Thiên Chúa, được thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Dầu sao, vai trò làm mẹ của Giáo Hội đặt anh chị em vào ngay chính sự tiếp nối với vai trò làm mẹ của Đức Maria, như sự tiếp nối của nó trong lịch sử. Giáo Hội, trong sức năng phong phú của Chúa Thánh Thần, tiếp tục sinh ra những người con mới trong Đức Kitô, luôn luôn lắng nghe Lời của Thiên Chúa và trong sự thuận theo kế hoạch yêu thương của Ngài. Giáo Hội là người mẹ. Chúa Giêsu được sinh ra từ cung lòng Đức Maria, thực tế, là sự khởi đầu cho sự tái sinh của mỗi Kitô hữu trong cung lòng Giáo Hội, bởi vì Đức Kitô là anh cả của một đàn em đông đúc (x. Rm 8, 29). Và người anh cả của chúng ta là Đức Giêsu, được sinh ra bởi Đức Maria, là mô mẫu cho tất cả chúng ta là những người được sinh vào trong Giáo Hội. Rồi, chúng ta hiểu thế nào mối liên hệ liên kết Đức Maria và Giáo Hội thật sâu xa: ngắm nhìn Đức Maria, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Giáo Hội, một khuôn mặt dịu dàng và đẹp nhất; nhờ Giáo Hội, chúng ta nhận ra được những nét đặc trưng tuyệt vời của Đức Maria. Chúng ta, các Kitô hữu, không phải là những đứa con mồ côi, chúng ta có một người mẹ, chúng ta có một người mẹ và điều này rất tuyệt vời. Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi. Giáo Hội là mẹ, và Đức Maria là mẹ.

2. Giáo Hội là mẹ của chúng ta vì Giáo Hội đã sinh chúng ta trong Bí Tích Rửa Tội. Mỗi khi một đứa trẻ được rửa tội, nó trở thành một người con của Giáo Hội, từ ngày đó, nó ở trong Giáo Hội và Giáo Hội chăm sóc nó như người mẹ chăm sóc đứa con của mình, Giáo Hội làm cho chúng ta trưởng thành trong đức tin và chỉ cho chúng ta, nhờ sức mạnh của Lời Chúa, con đường cứu độ, bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.

Giáo Hội đã nhận từ Chúa Giêsu kho tàng quý giá của Tin Mừng, không chỉ giữ kho tàng ấy cho riêng mình, nhưng phân phát cách quảng đại cho những người khác – như một người mẹ không giữ lại cho riêng mình những gì mình có, mà trao ban cách quảng đại cho con cái của mình. Trong việc phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng này, tình mẫu tử của Giáo Hội được thể hiện trong một cách thức riêng biệt – tận tụy, như một người mẹ, dâng hiến cho những đứa con của mình sự nuôi dưỡng tinh thần, đó là điều nuôi dưỡng và làm cho đời sống Kitô hữu sinh hoa kết quả. Vì vậy, tất cả chúng ta được mời gọi, với một tâm hồn và tâm trí mở ra, đón nhận Lời Chúa mà Giáo Hội phân phát mỗi ngày, bởi vì Lời Chúa có khả năng biến đổi chúng ta từ bên trong. Chỉ có Lời Chúa mới có năng lực này để biến đổi chúng ta trở nên tốt hơn từ trong ra ngoài, từ những gốc rễ sâu thẳm nhất của chúng ta – Lời Chúa đầy quyên năng. Và ai cho chúng ta Lời Chúa? Mẹ Giáo Hội. Giáo Hội cho con cái mình Lời này, chăm lo cho chúng ta xuyên qua toàn bộ đời sống của chúng ta bằng Lời này. Và điều này thật tuyệt vời, chính Mẹ Giáo Hội, với Lời Chúa, thực sự biến đổi chúng ta từ bên trong. Những lời mà Mẹ Giáo Hội cho chúng ta làm biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta vượt trội hẳn về nhân tính, không theo tính xác thịt, nhưng theo Thần Khí.

Với sự chăm sóc đầy tình mẫu tử của mình, Giáo Hội luôn cố gắng chỉ cho các tín hữu con đường để đi, hầu sống một thực tại đầy hiệu quả với niềm vui và sự bình an. Được ánh sáng Tin Mừng soi dẫn và được nâng đỡ bởi ân sủng của các bí tích, đặc biệt Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có thể hướng những chọn lựa của chúng ta về điều tốt lành và, với lòng can đảm và niềm hy vọng, vượt qua được những giờ phút đen tối và những con đường quanh co xảo trá. Con đường cứu độ, qua đó Giáo Hội hướng dẫn và đồng hành cùng chúng ta với sức mạnh của Tin Mừng và sự trợ giúp của các bí tích, cho chúng ta khả năng bảo vệ mình khỏi sự dữ. Giáo Hội có lòng can đảm của một người mẹ, và luôn biết rằng mình phải bảo vệ những đứa con của mình khỏi những nguy hiểm gây ra bởi sự hiện diện của ma quỷ trong thế gian, để đưa chúng đến sự gặp gỡ với Chúa Giêsu. Sự bảo vệ này cũng bao gồm một lời mời gọi cảnh giác: hãy chống lại sự lừa dối và cám dỗ của ma quỷ. Bởi vì ngay cả Thiên Chúa đã chế ngự ma quỷ thì những cám dỗ của nó vẫn luôn còn. Chúng ta biết điều này, tất cả chúng ta luôn bị tấn công. Chúng ta không được khờ dại, ngây thơ, nhưng hãy luôn cảnh giác và đứng vững trong đức tin, không cãi lại lời khuyên của một người mẹ, chấp nhận sự trợ giúp của Mẹ Giáo Hội. Một người mẹ tốt luôn đồng hành với con cái mình trong những giờ phút khó khăn.

3. Các bạn thân mến, đây là Giáo Hội: đây là Giáo Hội mà tất cả chúng ta yêu mến, Giáo Hội mà cha yêu mến. Một người mẹ là người có khả năng chăm sóc con cái mình cách tận tình và trao ban cho cho chúng sự sống. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng, Giáo Hội bao gồm tất cả những người đã được rửa tội – không chỉ các linh mục hay giám mục, mà là tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta ở trong Giáo Hội, tất cả chúng ta là con cái, cũng như những Kitô hữu khác. Tất cả chúng ta cùng nhau, những người nam và người nữ đã được rửa tội, là Giáo Hội. Bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta không làm chứng cho vai trò làm mẹ của Giáo Hội, cho lòng can đảm mẫu tử của Giáo Hội! Chúng ta hay tín thác chính mình cho Đức Mẹ, để rồi Mẹ sẽ dạy chúng ta cũng có cùng tinh thần mẫu tử như Mẹ đối với những anh chị em của chúng ta, với khả năng chân thành để chấp nhận, tha thứ và khơi lên sự tin tưởng và niềm hy vọng.

Chuyển ngữ: Hoàng Quốc Việt

TIN MỪNG, THÁNH THỂ VÀ CẦU NGUYỆN

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật ngày 31 thánh 8 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc tại Dinh Thự Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tụ họp tại Quảng Trướng Thánh Phêrô.

Anh chị em thân mến,

Trong hành trình Chúa Nhật với Tin Mừng theo thánh Matthêu, hôm nay chúng ta đi đến điểm quyết định mà ở đó Chúa Giêsu, sau khi xác định rằng Phêrô và mười một Tông Đồ khác đã tin vào Ngài như là Đấng Messia và là Con Thiên Chúa, “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (16, 21).

Đây là khoảnh khắc khẩn cấp mà trong đó cách suy nghĩ của Chúa Giêsu và của các môn đệ lộ ra. Ngay cả Phêrô cảm thấy bị thúc ép để trách móc Thầy, bởi vì ông không thể chấp nhận một kết cục đáng xấu hổ như thế đối với Đấng Messia.

Đến lượt mình, Chúa Giêsu quở trách Phêrô cách gay gắt, Ngài kéo Phêrô “lại đằng sau” bởi vì ông không suy nghĩ “như cách của Thiên Chúa, nhưng là như cách nghĩ của loài người” (c. 23), và không nhận ra rằng ông đang đóng vai trò của Satan, Tên Cám Dỗ.

Thánh Phaolô Tông Đồ, trong phụng vụ của Chúa Nhật hôm nay, nhấn mạnh về điểm này khi ngài viết thư gởi cho các tín hữu Rôma, ngài nói: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).

Thực vậy, là các Kitô hữu, chúng ta sống trong một thế giới bị ảnh hưởng nhiều bởi thực tại văn hóa và xã hội của thời đại chúng ta, và đúng như vậy. Nhưng điều này mang đến mạo hiểm là, chúng ta trở nên “trần tục”, và “muối mất đi vị mặn của nó”, như Chúa Giêsu nói (x. Mt 5, 13), nghĩa là, người Kitô hữu trở nên “nguội lạnh”, mất đi khả năng canh tân đổi mới, một ân ban đến từ Thiên Chúa và từ Thánh Thần. Đáng lẽ, họ phải làm điều ngược lại: khi sức mạnh của Tin Mừng tồn tại cách sống động nơi các Kitô hữu, họ có thể thay đổi “những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị nhân đạo, những bận tâm chính yếu, những trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống của nhân loại ” ĐGH Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, số 19).

Thật đáng buồn nhận ra rằng có những Kitô hữu nguội lạnh, những người như là rượu bị pha nước. Các bạn không thể phân biệt họ là những Kitô hữu hay người trần tục. Như rượu bị pha nước, các bạn không thể xác định đó là rượu hay là nước. Đây là điều đáng buồn. Thật đáng buồn khi nhận ra rằng có những Kitô hữu không còn là muối cho đời. Và chúng ta biết rằng khi muối mất đi vị mặn của muối thì muối chẳng còn hữu dụng. Muối của họ bị mất đi vị mặn bởi vì họ nhiệt thành với tinh thần của thế gian này. Nghĩa là, họ trở nên trần tục.

Vì vậy, thật cần thiết để canh tân chính mình cách liên tục, và rút lấy nhựa sống này từ Tin Mừng. Và làm sao một người có thể thực hành được điều này? Trước hết và trên hết, bằng cách đọc và suy niệm Tin Mừng mỗi ngày, nhờ vậy, Lời của Chúa Giêsu luôn diện diện trong đời sống chúng ta. Hãy nhớ, thật là hữu ích khi các bạn luôn mang theo bên mình một cuốn sách Tin Mừng, một cuốn sách Tin Mừng nhỏ, trong túi của các bạn, và đọc một đoạn ngắn cho cả ngày. Nhưng luôn luôn là sách Tin Mừng vì nó chứa đựng Lời của Chúa Giêsu và có thể đọc nó.

Cũng vậy, việc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật, nơi mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa trong cộng đoàn, lắng nghe Lời của Ngài và đón nhận Thánh Thể, và chính Thánh Thể liên kết chúng ta với Ngài và với nhau.Và rồi, những ngày tĩnh tâm và linh thao rất quan trọng cho việc đổi mới tâm linh.

Tin Mừng, Thánh Thể, Cầu Nguyện. Đừng bao giờ quên: Tin Mừng, Thánh Thể và Cầu Nguyện. Nhờ những quà tặng này từ Thiên Chúa, chúng ta có thể tuân theo, không phải thế gian, nhưng Đức Kitô, và đi theo con đường của Ngài, con đường của “sự từ bỏ chính đời sống của mình” để rồi tìm lại được nó (c. 25). “Từ bỏ đời sống” trong ý nghĩa của sự dâng hiến nó, dâng hiến nó cho tình yêu và trong tình yêu – và điều này liên quan đến sự hy sinh, ngay cả thập giá – để nhận lại nó, một đời sống đã được thanh lọc, được giải thoát khỏi sự ích kỷ và khỏi món nợ sự chết, một đời sống sống vĩnh cửu.

Đức Trinh Nữ Maria luôn luôn đi trước chúng ta trên con đường này; chúng ta hãy để cho mình được Đức Mẹ hướng dẫn và đồng hành với chúng ta!

Chuyển ngữ: Hoàng Quốc Việt.

SỰ NGUY HIỂM CỦA CÁC TỘI “CỘNG ĐOÀN”

Bài Giáo Lý Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Thứ Tư Ngày 27 Thánh Tám Năm 2014.

Anh chị em thân mến,

Mỗi khi chúng ta lập lại lời tuyên xưng đức tin đọc trong kinh Tin Kính, chúng ta xác quyết rằng Giáo Hội là “Duy Nhất” và “Thánh Thiện”. Là Duy Nhất, bởi vì Giáo Hội được bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm của sự hiệp nhất và sự hiệp thông tròn đầy. Là Thánh Thiện, vì Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô thiết lập, được Chúa Thánh Thần làm cho sống động, và được đổ tràn bằng tình yêu và sự cứu độ của Ngài. Tuy nhiên, cùng lúc, Giáo Hội thánh thiện và được trang điểm bởi những tội nhân, tất cả chúng ta, nên mỗi ngày chúng ta kinh nghiệm những sự mỏng giòn và sự đau khổ của chính mình. Giờ đây, Đức Tin mà chúng ta tuyên xưng thúc đẩy chúng ta đến sự hoán cải, có được lòng can đảm để hằng ngày sống sự hiệp nhất và sự thánh thiện, và nếu chúng ta không hiệp nhất, nếu chúng ta không thánh thiện, đó là bởi vì không trung thành với Ngài. Tuy vậy, Ngài không để chúng ta một mình; Ngài không bỏ rơi Giáo Hội của Ngài! Ngài bước đi với chúng ta. Ngài hiểu chúng ta. Ngài hiểu những yếu đuối, tội lỗi của chúng ta, và Ngài tha thứ cho chúng ta. Ngài luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài luôn luôn ở với chúng ta, giúp chúng ta, và làm cho chúng ta có ít những người tội lỗi hơn và có nhiều vị thánh hơn, và trở nên hiệp nhất hơn.

1. Sự an ủi đầu tiên của chúng ta đến từ thực tế là, Chúa Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều cho sự hiệp nhất của các môn đệ. […] Ngài đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất, trên hết mọi sự, Ngài đã làm như vậy khi cuộc khổ nạn của Ngài đến gần, khi Ngài sắp trao ban toàn bộ sự sống của Ngài cho chúng ta. Điều đó, chúng ta tiếp tục được mời gọi đọc lại và suy niệm, trong một trong những trang sách đầy cảm xúc và sống động của Tin Mừng thánh Gioan, chương 17, câu 11. 21 – 23. Thật thú vị khi biết rằng Chúa chúng ta, chỉ trước khi chết, đã không quan tâm đến chính mình, nhưng nghĩ về chúng ta! Và trong cuộc đối thoại rất đau buồn của Ngài với Chúa Cha, thực tế, Ngài đã cầu nguyện để chúng ta được trở nên một với Ngài và giữa chúng ta. Hãy xem, với những lời này, Chúa Giêsu làm cho chính Ngài trở thành người trung gian của chúng ta với Chúa Cha, nhờ vậy chúng ta cũng có thể đi vào sự hiệp thông trọn vẹn của tình yêu với Ngài. Cùng lúc, Ngài trao phó chúng ta cho Thiên Chúa Cha như là giao ước thiêng liêng của Ngài, nhờ đó sự hiệp nhất có thể trở thành sự chú ý đặc biệt của các cộng đoàn Kitô hữu và trở thành câu trả lời hay nhất cho những ai hỏi chúng ta về lý do cho niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 1Pr 3, 15).

2. “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 21). Từ lúc sơ khai, Giáo Hội đã tìm kiếm để nhận ra ý định này, ý định được ấp ủ mãi trong tim của Chúa Giêsu. Sách Tông Đồ Công Vụ nhắc nhớ chúng ta rằng các Kitô hữu đầu tiên được phân biệt bởi một thực tế là có “một lòng một ý” (Cv 4, 32). Rồi, Tông Đồ Phaolô đã nhắc nhở các cộng đoàn của ngài đừng quên rằng họ là “một thân thể” (1Cr 12, 3). Tuy nhiên, kinh nghiệm nói cho chúng ta rằng, có nhiều tội chống lại sự hiệp nhất. Và chúng ta không chỉ nghĩ về những nhóm dị giáo và ly giáo lớn; chúng ta nghĩ về những thất bại phổ biến trong các cộng đoàn của chúng ta, của những tội “giáo xứ”, những tội trong các giáo xứ. Trong thực tế, các giáo xứ được mời gọi để trở thành những nơi của sự chia sẻ và hiệp thông, nhưng đôi khi lại bị ghi dấu cách đáng buồn bởi những ganh tỵ, ghen tương, ác cảm. Và chuyện phiếm này được truyền đến mọi người. Bao nhiêu chuyện phiếm này tồn tại nơi các giáo xứ! Đây là điều không tốt. […] Đây không phải là Giáo Hội! Sự Duy Nhất không được làm điều này, chúng ta không được làm điều này! Chúng ta cần cầu xin Chúa cho chúng ta ơn để đừng làm điều này.

Đúng vậy, điều này thuộc về con người, nhưng không thuộc về các Kitô hữu! Điều này xảy ra khi chúng ta tìm kiếm những chỗ nhất, khi chúng ta tự đạt mình vào trung tâm, với những tham vọng cá nhân và những cách chúng ta nhìn sự vật và phán xét người khác; khi chúng ta nhìn vào những thiếu sót của những người anh em của chúng ta thay vì những tài năng cuả họ, khi chúng ta chất thêm gánh nặng để phân chia những gì đưa chúng ta lại với nhau.

3. Trước tất cả những điều này, chúng ta phải nghiêm túc tự vấn lương tâm. Trong một cộng đoàn Kitô hữu, sự chia rẽ là một trong những tội nặng nhất, bởi vì sự chia rẽ biểu hiện nó không phải là công việc của Thiên Chúa nhưng là dấu chỉ của ma quỷ, mà theo định nghĩa, ma quỷ là người phân rẽ, là người hủy hoại những mối liên hệ, là người gieo rắc những thành kiến. Thay vào đó, Thiên Chúa muốn chúng ta trưởng thành trong khả năng biết chấp nhận, tha thứ và yêu thương lẫn nhau, trở nên giống Ngài hơn, Đấng là Sự Hiệp Thông và là Tình yêu. Điều này nằm trong sự thánh thiện của Giáo Hội: trong việc Giáo Hội nhận ra mình như là hình ảnh của Thiên Chúa, được đổ đầy với lòng thương xót và ân sủng của Ngài. […]

Các bạn thân mến,

Chúng ta hãy khắc ghi những lời này của Chúa Giêsu vang vọng trong tâm hồn chúng ta: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Chúng ta hãy chân thành kêu xin sự tha thứ vì tất cả những lần chúng ta đã gây ra sự chia rẽ hay sự hiểu lầm trong các cộng đoàn của chúng ta, nhận biết rằng sự hiệp thông không thể đạt được khi không có sự hoán liên lỷ. Và chúng ta hãy cầu nguyện để gia sản hằng ngày của những mối tương quan của chúng ta có thể trở thành một sự phản chiếu đẹp và vui tươi hơn của mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.

Chuyển ngữ: Hoàng Quốc Việt

ĐỪNG QUÊN CẦU NGUYỆN VỚI LỜI KINH TÁM MỐI PHÚC THẬT

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự buổi tiếp kiến chung đầu tiên của ngài của tháng Tám, tại hội trường Phaolô VI của Vatican. Tiếp tục bài giáo lý của mình về Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã diễn tả Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa, và nói thêm rằng cầu nguyện với lời Kinh Tám Mối Phúc Thật là một phần thiết yếu của đời sống Kitô hữu.
Bài Tóm Lược Bài Giáo Lý Của Đức Giáo Hoàng

Anh chị em thân mến,

Trong buổi tiếp kiến chung hôm nay chúng ta tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về Giáo Hội, Dân Thiên Chúa. Được chuẩn bị trong Cựu Ước và được Chúa Kitô thiết lập trong thời kỳ viên mãn, Giáo Hội là một Dân Mới, được đặt nền tảng trên một Giao Ước mới.
Tính chất mới được Chúa Kitô đưa ra không loại trừ những gì đã có trước, nhưng đưa nó đến sự hoàn thiện. Trong Kinh Thánh, thánh Gioan Tẩy Giả là chiếc cầu nối giữa các Tiên Tri và các lời hứa của Cựu Ước với sự hoàn tất của những lời hứa trong Tân Ước.

Gioan hướng về Chúa Giêsu và mời gọi chúng ta bước đi theo Ngài với sự sám hối và biến đổi. Luật mới mà Chúa Giêsu đưa ra trong Bài Giảng Trên Núi hoàn thiện luật cũ đã được trao cho Môsê trên núi Sinai. Trong Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường mà trong đó, với ơn của Ngài, chúng ta có thể đạt được hạnh phúc thật.
Trong Tin Mừng của thánh Matthêu Ngài nói với chúng ta rằng, đời sống Kitô hữu của chúng ta sẽ bị phán xét về cách chúng ta đối xử với Ngài nơi những người anh em bé mọn nhất của chúng ta. Nơi trọng tâm của Giao Ước Mới là việc chúng ta nhận ra rằng, trong Đức Kitô, chúng ta được ấp ủ bởi lòng thương sót và sự cảm thương của Thiên Chúa, và đời sống của chúng ta phải là một lời chứng về tình yêu của Ngài cho tất cả anh chị em của chúng ta.

Chuyển ngữ: Hoàng Quốc Việt.