LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO – THẬP GIÁ VÀ MÁU ĐÀO

 

 

 

 

Lịch sử truyền giáo của Giáo hội không chỉ khởi đi từ “lệnh truyền phải truyền giáo” của Chúa Giêsu trong Mt 28, 18, mà còn được khởi đi từ sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, xét như sự tỏ lộ dứt khoát của chương trình cứu độ mầu nhiệm của Thiên Chúa đối với nhân loại. Như vậy, nhìn lịch sử truyền giáo qua các thời kỳ, ta thấy mỗi thời kỳ đều mang đậm một nét đặc trưng. Và có lẽ bởi những nét đăc trưng đó mà đã hình thành nên lịch sử truyền giáo ; mà đã là lịch sử thì luôn ghi đậm nét của thành công hay thảm bại. Trong bài suy tư này, tôi muốn giới hạn suy tư của mình vào một trong những bài học của lịch sử truyền giáo : Thập giá và máu đào.

 

– Thập Giá

 

Có thể nói, lịch sử truyền giáo là một hành trình của đường thập giá. Thực thế, để sống lại vinh quang, và sau đó trao sứ mạng truyền giáo cho các Tông đồ, Đức Giêsu đã phải trải qua con đường thập giá : chịu biết bao khổ cực, đau khổ, và rồi chết cách nhục nhã, đổ máu ra trên thâp giá để cứu chuộc nhân loại. Như vậy, lệnh truyền truyền giáo mà Đức Giêsu đã trao cho các Tông đồ và những ai tiếp nối các ngài đã được khởi đi từ con đường thập giá của Đức Giêsu. Chính vì thế, những người được Chúa sai đi không thể đi con dường nào khác ngoài con đường thập giá.

 

Nhìn lịch sử truyền giáo từ thời Giáo hội sơ khai, chúng ta thấy các Tông đồ và các nhà truyền giáo, qua mọi thời, đã phải trải qua biết bao những khổ cực trên bước đường truyền giáo. Một Phêrô, một Barnaba …, và đặc biệt, một Phaolô đã phải chịu biết bao hiểu lầm, phải chịu những đau đớn nơi thân xác cũng như nơi tâm hồn, phải bôn ba khắp nơi trong những nguy hiểm luôn rình chờ, để thiết lập các giáo đoàn và giảng dạy… Rồi đến các nhà truyền giáo sau các Tông đồ, qua mọi thời, cũng đã phải mang thập giá để đi trọn hành trình truyền giáo.

 

Chỉ có con đường thập giá mới dẫn đến vinh quang, dù đó là một “sự ô nhục”. Nhưng lịch sử truyền giáo đã được dêt nên từ những khổ hình thập giá mà các nhà truyền giáo đã phải gánh chịu ; con đường truyền giáo đã được lát bàng những hy sinh, in đậm những dấu chân nhọc nhằn của những người mang thập giá. Nghĩa là các nhà truyền giáo đã dùng cây thập giá của đời mình để cấy trồng những hạt giống đức tin cho con người.

 

Chính vì thế, mỗi bước đường thập giá mà các nhà truyền giáo đã trải qua đã làm nổi bật lên hình ảnh sứ mạng truyền giáo, và làm rõ nét hình ảnh của chính Đấng đã đi trọn con đường thập giá, chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để cứu độ nhân loại – Đức Giêsu Kitô – Nhà Truyền Giáo trọn hảo.

 

– Máu Đào

 

Khi nói lịch sử truyền giáo là hành trình của đường thập giá thì tất nhiên, kết cục của hành trình đó phải là những giọt máu đào được đổ ra. Quả vậy, lược lại lịch sử truyền giáo, ta thấy thời nào cũng có những con người phải đổ máu để làm chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Nhờ những giọt máu đào của các nhà truyền giáo đổ ra mà hạt giống đức tin đã trổ sinh nhiều bông hạt. Cụ thể, trong thời Giáo hội sơ khai, máu của các Tông đồ đã phải đổ ra vì Danh Chúa Giêsu Kitô ; rồi đến thời trung cổ, thời đại mới, thời hậu công đồng Trentô….., tất cả đều thấm đẫm máu của các nhà truyền giáo. Nhờ đó mà Tin mừng đã được loan truyền khắp nơi. Như vậy, nhờ máu của các nhà truyền giáo đổ ra mà hạt giống đức tin đã sinh nhiều bông hạt. Nói cách khác, những hạt giống đức tin đã được tưới bằng máu của các nhà truyền giáo. Tuy nhiên, lịch sử truyền giáo lại ghi đậm những thất bại, mà bằng chứng sống động cho sự thất bại đó cũng chính là những giọt máu đào của các nhà truyền giáo đã đổ ra. Bao nhiêu con người đã phải đổ máu ra nhưng ngày nay, con số những người nhận biết Chúa vẫn chỉ là thiểu số.

 

Thực vậy, nếu chỉ nhìn lịch sử truyền giáo trong “thành công – thất bại”, thì quả là lịch sử truyền giáo của Giáo hội là thất bại. Với lịch sử truyền giáo, ta phải nhìn với cái nhìn đức tin thì mới thấy được những sự kỳ diệu mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong lịch sử ấy.

 

Có lẽ đa phần các nhà truyền giáo đã phải hy sinh là vì bị các nhà cầm quyền cho là đối chọi với họ nên họ đã bắt giết các nhà truyền giáo. Những đối chọi ấy có thể là sự khác biệt về quan niệm sống ; có thể là sự khác biệt về văn hoá ; có thể là do sự ganh ghét ; và cũng có thể chỉ là do sự hiểu lầm vì cách diễn đạt không chính xác của các nhà truyền giáo đã gây ra, kể cả những sai lầm của các ngài… Thế nhưng tất cả đều là lý do để cho các nhà truyền giáo phải chịu đổ máu. Và điều kỳ diệu là Chúa đã dùng chính những gì được coi là thất bại đó để làm cho hạt giống Tin mừng được gieo rắc trên khắp cả và thiên hạ, và cứ âm thầm phát triển.

 

Tóm lại, lịch sử truyền giáo là lịch sử về thập giá và máu đào mà các nhà truyền giáo phải viết nên trang sử ấy bằng chính máu của mình, qua con đường thập giá. Chắc chắn Chúa không muốn các nhà truyền giáo phải đổ máu. Nhưng trước sự tàn ác của con người, và cũng có thể có những sai lầm của chính các nhà truyền giáo gây ra, Thiên Chúa lại muốn các nhà truyền giáo đón nhận đó như một ân huệ, một phương cách để làm cho hạt giống Tin mừng của Chúa được nảy nở và lan toả khắp nơi.

Một cách nào đó, Chúa đang mời gọi và huấn luyện tôi cho sứ mạng truyền giáo mai ngày, sứ mạng mà Chúa sẽ sai tôi đi như đã sai các Tông đồ xưa. Có lẽ ngày nay tôi sẽ không còn phải chịu đổ máu như các nhà truyền giáo xưa. Nhưng, thập giá vẫn còn đó ; những đòi hỏi phải hy sinh chính thân mình như một cuộc đổ máu vẫn đợi chờ tôi, và Chúa vẫn muốn tôi phải ôm trọn lấy thập giá đời mình, sống trọn sự hy sinh thân mình cho phần rỗi và hạnh phúc của tha nhân. Đi trọn con đường thập giá là tôi sống thân phận của người được sai đi trong thân phận của một chiên con đi vào giữa bày sói để chịu sát tế đời mình, hầu làm chứng cho Tin mừng và tình yêu của Thiên Chúa cho con người, và làm cho Tin mừng và tình yêu đó thấm nhuần vào đời sống con người hôm nay. Như vậy là tôi sẽ tiếp nối những bước chân của các bậc cha anh, tiếp tục viết lên những trang sử mới trong lịch sử truyền giáo của Giáo hội. Và như thế tôi sẽ trở nên hạt giống âm thầm chịu mục nát đi, để rồi trổ sinh những bông hạt trong cánh đồng truyền giáo nơi Giáo hội địa phương của tôi.

 

Hương Quê

 

Bình luận về bài viết này